Một Trải Nghiệm Khiêm Nhu - Maryknoll Lay Missioners
Home » Bolivia » Một Trải Nghiệm Khiêm Nhu

Các trẻ em San Gabriel

Trong chuyến đi thăm Cochabamba ngắn ngủi vào tháng Mười vừa qua, sơ Huệ đã ngỏ ý mời hai chúng tôi đến thăm các mục vụ của sơ ở San Gabriel, nơi sơ và các nữ tu khác của Dòng Thừa Sai Chúa Giêsu Kitô đang phục vụ người nghèo tại Bolivia. Huệ là một nữ tu trẻ cùng với sơ Thuỷ là hai người Việt duy nhất ở Bolivia ngoài 5 thừa sai giáo dân Maryknoll Việt Nam chúng tôi đến từ Hoa Kỳ. Cả hai đều trạc tuổi con cháu chúng tôi và mỗi khi hai sơ từ vùng quê đến  Cochabamba thăm các nữ tu cùng hội dòng, vợ chồng chúng tôi luôn mời họ đến nhà dùng các món ăn Việt Nam mà cả hai chắc đã lâu lắm rồi không được thưởng thức.

Thế là vào môt buổi chiều thứ Sáu tháng Mười Hai trong tuần lễ thứ ba Mùa Vọng, Hồng và tôi quyết định đi San Gabriel để tìm hiểu về các mục vụ của sơ Huệ. Chẳng may khi đến trạm xe buýt thì mới biết là chuyến xe cuối cùng đi San Gabriel đã chất đủ hành khách và đang sửa soạn rời bánh. Đi vòng vòng hỏi thăm đến hơn nửa tiếng mới tìm thấy một chiếc xe van từ San Gabriel  đến đang đổ hành khách xuống để chuẩn bị quay đầu trở về. Anh tài xế đồng ý chở chúng tôi và một gia đình 7 người khác về San Gabriel với giá chỉ cao hơn vé thường một chút. Thế là tất cả chúng tôi vội vã lên xe ngồi chờ trong khi bác tài lo đi kiếm chút gì ăn cho đỡ đói. Chiếc xe van cũ phải đến gần nửa thế kỷ và chật hẹp đến nỗi chỉ vừa chỗ cho 10 người chúng tôi ngồi sát nách bên nhau.

San Gabriel không khác gì các cảnh làng quê ở Việt Nam

San Gabriel là môt vùng làng quê cách Cochabamba chỉ khoảng 4 giờ  lái xe nhưng cơn mưa giông nặng hạt tối hôm trước đã gây ra nạn đất sụt ở nhiều nơi trên con đường ngoằn ngoèo trong núi. Chuyến xe của chúng tôi vì thế đã kéo dài đến hơn 7 giờ đồng hồ và khi xe đến San Gabriel thì trời cũng đã gần nửa đêm. Trời đã tối nên hầu hết các cửa tiệm gần bến xe đều đã đóng cửa mà cơn mưa hình như lại đang sửa soạn kéo đến. Các con đường chung quanh bến xe rất lầy lội và đầy những ổ gà ngập nước to gần bằng cái bàn ăn. Hoàn toàn khác với Cochabamba, vì gần vùng Amazon nên thời tiết San Gabriel ẩm thấp và nóng nực đến nỗi chỉ đi bộ có vài góc phố mà cả hai chúng tôi đều đã ướt đẫm mồ hôi. Tháng Mười Hai là lúc  mùa Hè vừa bắt đầu ở Bolivia và ban đêm ở San Gabriel khá giống những đêm hè nóng nực ở Saigon nơi tôi đã trải qua thời niên thiếu cách nay hơn 50 năm.

Chả biết từ lúc nào và ở đâu mà điện thoại cầm tay của cả hai chúng tôi đều đã mất sóng nên không có cách nào liên lạc được với sơ Huệ. Lần mò trong bóng đêm với ánh sáng yếu ớt từ ngọn đèn trong điện thoại, Hồng bắt đầu thấy lo lắng và phàn nàn tại sao tôi không hỏi địa chỉ của sơ Huệ trước khi đi. Cũng may và cũng thật bất ngờ, tôi thấy một quán càfé internet còn mở cửa và dù đã nửa đêm nhưng có vài cậu bé vẫn đang mải chơi game trên mạng. Sau cùng thì tôi cũng liên lạc được với sơ Huệ qua Facebook messenger từ môt máy computer cũ kỹ trong tiệm và chỉ 10 phút sau thì đã thấy sơ xuất hiện ngoài cửa. Thì ra Huệ đã đứng ngoài bến xe chờ chúng tôi cả đêm và chỉ mới vội quay về nhà để lấy chiếc dù khi thấy trời lại sắp đổ cơn mưa. Về đến nhà, sơ Huệ đưa chúng tôi vào một căn phòng nhỏ dành riêng cho khách, thường là các linh mục hay nữ tu từ xa đến thăm. Hồng rồi sau đó đến tôi vội vàng chui ngay vào phòng tắm trong lúc ngoài trời mưa bắt đầu rơi nặng hạt với nhiều sấm chớp vang lên ầm ầm một cách đáng sợ. Chỉ được một lúc thì bóng đèn trong phòng tắm chớp chớp vài cái rồi tắt hẳn, và vòi nước từ bông sen trên đầu cũng tự động ngưng ngay sau đó. Thì ra khi bị cúp điện thì máy bơm nước từ cái giếng ngoài sân cũng ngừng luôn không chịu hoạt động. Cũng may là cả tôi lẫn Hồng đều đã tắm xong trước khi bị cúp điện và mất nước. Giữa tiếng mưa rơi nặng hạt và tiếng sấm ầm ầm, tôi thoáng nghe như có tiếng côn trùng ếch nhái gọi nhau trong bóng đêm ngay ngoài cửa sổ. Cảm giác hơi lạ và rờn rợn nhưng lại có vẻ như thật gần gũi quen thuộc, chẳng mấy chốc tôi chìm dần vào giấc ngủ và bắt đầu mơ màng về những kỷ niệm xa xưa thời ấu thơ khi còn ở Việt Nam.

Ngôi ‘trường làng”

Tiếng gà gáy rồi tiếng chó sủa trong làng đã khiến tôi thức giấc vào lúc trời vừa sáng. Cơn mưa đã chấm dứt và bầu trời đang bắt đầu sáng dần, cho dù mặt trời vẫn còn ẩn khuất sau các đám mây đen dầy đặc. Tuy lười biếng và còn đang muốn ngủ nướng thêm một lúc, tôi nghe tiếng Hồng và các sơ đang sửa soạn bữa ăn sáng trong nhà bếp nên vội vàng choàng dậy. Ngoài sơ Huệ còn có hai sơ khác cùng dòng Thừa Sai Chúa Giêsu Kitô sống trong căn nhà này trực thuộc toà giám mục địa phận San Gabriel. Sơ Maria Joseph là người Tây Ban Nha với mái tóc ngắn màu trắng thật đẹp và sơ Elizabeth là một người Bolivia nhỏ nhắn với nụ cười hiền lành mời chúng tôi uống cà phê và ăn sáng nơi chiếc bàn nhỏ phủ khăn ny-lông trong phòng ăn. Mùi cà phê mới pha quyện với hương thơm đậm đà của bánh mì nướng và vị ngọt ngào của xoài chín làm tôi thấy đói bụng kinh khủng. Tôi chợt nhận ra là mình chưa có gì vào bụng kể từ bữa trưa ăn vội vàng trước khi lên đường ngày hôm trước.

Sau bữa ăn sáng, hai sơ kia là y tá nên chuẩn bị đi làm tại một nhà thương nhỏ trong vùng. Hồng và tôi đi theo sơ Huệ đến một lớp học dành riêng cho các trẻ em nghèo trong làng. Trường học cách nhà khoảng hai dặm nên chúng tôi quyết định đi bộ và trên đường thỉnh thoảng dừng lại các căn nhà lụp xụp để đón các học sinh của Huệ đến trường. Đến nơi, tôi không thể tin vào mắt mình khi nhìn thấy “ngôi trường” nơi sơ Huệ đến dạy học cho các em vào mỗi thứ Bảy cuối tuần. Trường học chỉ là một căn nhà đã bỏ hoang từ lâu mà dân trong làng thỉnh thoảng dùng làm nơi tụ tập để hội họp trong các dịp đặc biệt. Cơn mưa bão tối qua đã mang theo nhiều sình lầy, rác rưởi và cành lá vào căn nhà hoang xiêu vẹo bao bọc chung quanh bởi 4 vách tường thấp với lưới gà che tạm bên trên. Trong lúc Hồng và sơ Huệ sang các căn nhà gần đó để hỏi mượn chổi quét nhà, tôi cố gắng sắp xếp lại các bàn ghế phủ đầy bụi cho có vẻ giống như một lớp học trước khi các em đến. Các em bé đi cùng chúng tôi cũng vui vẻ hùa theo phụ quét dọn trong lúc chơi đùa với một chú chó con tên Oberto của người hàng xóm bên cạnh trường.

Cả học trò lẫn cô giáo lo quét dọn lớp học

Vì là tuần thứ ba trong Mùa Vọng nên thay vì một buổi học thường, Hồng và sơ Huệ dạy các em làm hình ông già Noel cùng các thiên thần và ngôi sao bằng foam và các que kem gỗ để các em dùng trang hoàng  cho khung cảnh Giáng Sinh ở nhà. Sơ Huệ cũng dạy các em hát các bản nhạc Giáng Sinh quen thuộc bằng tiếng Tây Ban Nha trong lúc Hồng chỉ dẫn cho các em sơn các hình ảnh trang hoàng cây noel bằng màu nước. Em nào làm xong trước thì được thưởng kẹo chocolate và rồi tất cả các em đều nhận được quà giáng sinh trước khi cả hai cô giáo và các em cùng ngồi quanh nhau để chụp hình kỷ niệm.

Sau giờ học, trong lúc dắt các em trên đường về nhà, một em gái nhỏ bỗng chạy đến nắm chặt lấy tay tôi. Bàn tay ấm áp và mềm mại của em nằm gọn trong bàn tay khô cằn và chai cứng của tôi. Đi được nửa đường thì chị của em chạy vội đến một gốc cây bên đường và nhặt lấy một thứ trái cây lạ đưa cho hai chúng tôi. Trái cây dài màu xanh cũng na ná giống như loại trái điệp thường thấy ở Việt Nam. Vị ngọt dịu dàng của trái cây chợt cho tôi thấy rõ ràng hơn đây chính là ơn gọi mà Chúa đã dành cho tôi khi Ngài mời vợ chồng chúng tôi gia nhập Hội Thừa Sai Giáo Dân Maryknoll để dến sinh hoạt và làm việc với những người nghèo khổ tại Bolivia.

Là những thừa sai ngành giáo dân của Maryknoll, chúng tôi được mời gọi đi phục vụ cho những người sống bên lề xã hội ở khắp mọi nơi trên trái đất. Tuy nhiên, chỉ phục vụ thôi thì không đủ mà còn phải thực sự sống với họ, sống chung với những người mình đang phục vụ như là một thành viên trong chính gia đình của họ. Đây là lối sống mà chúng tôi và sơ Huệ, sơ Thủy cũng như các nữ tu khác của Dòng Thừa Sai Chúa Giêsu Kitô đã chọn cho chính mình. Từ nhiều vùng đất khác nhau trên thế giới, các thừa sai nam nữ tu sĩ cũng như giáo dân từ châu Á đến châu Phi và cả châu Âu lẫn châu Mỹ, đều có cùng một ơn gọi là đến để phục vụ và sống với những người mà họ đã được mời đến để phục vụ. (còn tiếp – Nguyễn Ngọc Sơn)

Thừa Sai Giáo Dân Maryknoll: Làm việc với những người sống bên lề cho một thế giới công bằng, nhân ái và bền vững hơn ở Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

“Đẹp thay! Ôi đẹp thay những bước chân tiến vào giữa lòng thế giới, loan tình thương tình thương Chúa Trời, loan niềm vui, niềm vui cứu đời, cho mọi người và mọi nơi…”