Dạy học với lòng yêu thương trên dãy núi Andes, Bolivia - Maryknoll Lay Missioners
Home » Bolivia » Dạy học với lòng yêu thương trên dãy núi Andes, Bolivia

Minh Nguyễn (giữa) giúp Leonardo Mamani (bên trái) và Daniela Dasilva làm bài tập trong chương trình dạy kèm sau giờ học của Minh ở Tacopaya, Bolivia. (Nile Sprague)

Khi Leonardo Mamani Villa bắt đầu đi học vào năm 6 tuổi ở Tacopaya, một làng của người dân tộc trên vùng cao nguyên hẻo lánh của Cochabamba thuộc dãy núi Andes, Bolivia thì em đã gặp nhiều khó khăn trong trường học. Vì ngôn ngữ đầu tiên của em là Quechua mà em lại phải học đọc, viết, đếm và diễn đạt bằng tiếng Tây Ban Nha. Nhưng may mắn thay là em đã tìm được sự giúp đỡ nơi Maryknoll Lay Missioner Phượng Minh Nguyễn, người cung cấp chương trình dạy kèm cho trẻ em tại nhà xứ của Tacopaya.

Mỗi buổi trưa Nguyễn đón hơn 20 đứa trẻ cũng năng động như Leonardo, chưa thấy mặt mà đã nghe tiếng chúng gọi tên cô từ ngoài cửa “Minh…Minh…”. Các em làm bài tập, đọc sách hoặc chơi các trò chơi trên sân nhà xứ và trong phòng thư viện. “Em thích cô Minh dạy em học đọc và đếm” Leonardo nói. Sau một năm tham gia chương trình dạy kèm của cô Minh, Leonardo đã cho thấy sự tiến bộ. Em đã biết đọc và viết tiếng Tây Ban Nha, luôn cả cách làm tính cộng, trừ, nhân, chia. Đến Tacopaya vào năm 2018, Nguyễn cho biết chương trình này đã và đang lấp đầy những khoảng trống thiếu sót về mặt giáo dục cơ bản cho các em. “Nhiều em vẫn được lên lớp mỗi năm mặc dầu không biết gì vì thiếu căn bản ngay từ đầu”.

Nguyễn Minh Phượng chuẩn bị món ăn nhẹ giữa ngày cho các em. (Nile Sprague)

Josue Silvestre Vicente, 12 tuổi, một cậu bé khác cũng làm cho người thừa sai cảm động không kém. Em rất nhút nhát và gặp trở ngại trong việc phát âm, cho dù học lớp 4 nhưng vẫn không biết đọc, viết hay làm toán. Em đã đến xin cô  giúp đỡ và Nguyễn đã cùng làm việc với em trong vòng ba năm. Hiện nay Josue đang theo học lớp bảy tại một trường Công giáo, nơi mà sức học của em bây giờ được coi là ngang hàng với các bạn học sinh khác.

Hoàn cảnh của các em học sinh ở Tacopaya rất khác nhau. Có em như Josue vì ở gần trường nên vẫn sống với gia đình. Có em ở xa như Leonardo phải ở trong trường nội trú Công giáo, đi học ở đó hoặc trường ở ngoài do chính phủ điều hành. Nguyễn cho biết là chương trình dạy kèm của cô dành cho tất cả các em trong và ngoài làng.

Cha mẹ của Leonardo là những người nông dân tự lực sinh sống ở vùng sâu xa hẻo lánh trong dãy núi Andes. Nếu Leonardo và hai anh trai của mình không được trường nội trú Công giáo giúp đỡ, chúng sẽ phải đi bộ đến trường mỗi ngày hơn bốn tiếng đồng hồ.

Trong chương trình dạy của mình, người thừa sai này đã cố gắng giúp cho các em cảm thấy thoải mái như khi đang ở nhà để bù đắp lại sự thiếu thốn gây ra do sự vắng mặt của cha mẹ. Mỗi ngày, cô chuẩn bị các bữa ăn nhẹ nhưng bổ dưỡng cho các em như là bột yến mạch nấu với sữa.

Các em học sinh ở Tacopaya đeo khẩu trang do Minh Nguyễn may cho. (Ảnh Minh Nguyễn)

Đối với Minh, điều quan trọng là giúp đỡ các em ở lại học ngay tại thôn quê của mình. Cô giải thích: “nhiều người trẻ rời làng vào thành phố tìm việc làm, vì vậy đôi khi chỉ còn có trẻ em và người già ở lại trong làng. Khi người dân tộc di chuyển từ  vùng quê của họ đến thành phố, “họ đánh mất đi bản sắc của mình, khi cố gắng thích nghi và tồn tại trong một môi trường khác” cô nói. “Ở thành phố họ sợ nói tiếng mẹ đẻ và sinh hoạt nền văn hóa của mình vì sợ bị chê cười. Ở lại đây nơi vùng đất của họ, họ có được không khí trong lành tinh khiết và chúng tôi đến để giúp đỡ họ nhất là trong lãnh vực giáo dục con em họ”

Cha Hector Terrazas, cha xứ cũ của làng đã cho phép Nguyễn ở và dùng nhà xứ cho chương trình dạy kèm trẻ của cô. Ông là người cũng ủng hộ các nỗ lực hạn chế việc di cư đến thành phố. Ông cho biết các trường học tại Tacopaya phục vụ trẻ em của khoảng 100 cộng đồng sống rải rác gần đó. Đa số người dân tộc làm nghề nông và khoai tây là nguồn thu hoạch lớn nhất của họ. Vì là vùng núi khô cằn nên họ phải đối đầu với vấn đề thiếu nước tưới và từ đó mang đến việc sản xuất lương thực yếu kém. Cha Terrazas cho biết: “Chúng tôi đang đệ trình một dự án nông nghiệp bao gồm việc trồng rừng thông và cây ăn quả bằng cách sử dụng hệ thống tưới siêu vi để cải thiện việc sản xuất các loại thực phẩm khác.

Minh, 57 tuổi, yêu thích mục vụ của mình với các trẻ em ở Tacopaya. Cô nói: “Khi còn nhỏ ở Việt Nam tôi đã sống trong một hoàn cảnh khó nghèo giống các em, nên tôi biết cảm giác thế nào khi có được một tuổi thơ tuyệt vời và tự do sống giữa thiên nhiên. Dẫu vậy tôi cũng đã gặp phải nhiều khó khăn trong cuộc sống của mình.”

Các em thưởng thức món bột yến mạch với sữa do chính Minh nấu tại nhà xứ ở Tacopaya. (Nile Sprague)

Minh rời Việt Nam với gia đình đi định cư ở Hoa Kỳ năm cô 23 tuổi. Sau khi rời Thái Lan thay vì đến Mỹ cùng lúc với cha mẹ và 3 em, cô và người em kế đã bị tách rời ra và được gửi đến một trại tị nạn ở Philippines. (trong gai đoạn đó chính phủ Hoa Kỳ yêu cầu những người từ 21 tuổi trở lên phải đến trại để học ngôn ngữ và văn hóa Mỹ trước khi nhập cảnh). Cuối cùng thì sau sáu tháng ở Philippines hai chị em cô cũng đã được đi đoàn tụ với gia đình tại Mỹ.

“Nó thật sự là một cú sốc quá độ,” Minh nói. “Tôi rời bỏ đất nước, để lại bạn bè và tất cả mọi sự thân thuộc chỉ còn lại gia đình, nhưng rồi lại bị tách rời một cách đột ngột khỏi vòng tay yêu thương của cha mẹ và các em. Tôi phải đương đầu với nhiều thách đố khó khăn và có lẽ đó chính là sự khởi đầu của cuộc hành trình giúp cho tôi cảm nhận được người khác”. Đến đất Mỹ khi phải đối đầu với áp lực hội nhập văn hóa, Minh muốn quên đi bản chất Việt Nam của mình để khoác lấy lối sống của người bản xứ Mỹ. Cô chia sẻ “nhưng với thời gian tôi đã học được cách trân trọng hai nền văn hóa và nhận ra sự phong phú mà chúng mang lại.” Cô sống ở Baltimore, Maryland và làm việc trong ngành thẩm mỹ, khi có thì giờ rỗi rảnh cô cũng tham gia các công tác thiện nguyện tại các giáo xứ Mỹ và Việt nam.

Nguyễn cho biết khi nhận ra được lời kêu gọi truyền giáo của mình, cô đã học cách tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Năm 2010, cô gia nhập hội Maryknoll Lay Missioners và được gởi đến Bolivia. Thời gian đầu cô làm việc ở thành phố Cochabamba tại cô nhi viện Madre de Dios dành cho các em gái bị lạm dụng và bị bỏ rơi. Những năm sau đó Minh sử dụng kỹ năng về thẩm mỹ của mình để dạy nghề tóc cho các tù nhân tại nhà tù nam San Pablo và nhà tù nữ San Sebastián trong chương trình cấp chứng chỉ học vấn của nhà tù.

Minh hợp tác với nhà thờ địa phương ở Tacopaya trong nỗ lực mang giáo dục đến cho trẻ em miền núi với hy vọng giảm bớt việc di cư về Cochabamba. (Nile Sprague)

Ba năm gần đây Minh tham gia nỗ lực của nhà thờ địa phương ở Tacopaya cung cấp giáo dục cho các em ở miền núi với hy vọng làm giảm bớt sự di cư của người dân tộc đến các thành phố. Trong những dịp về thành phố Cochabamba Minh vẫn tiếp tục đến thăm các nhà tù và cô nhi viện cho đến khi cơn đại dịch hạn chế việc đi lại. Người thừa sai cho biết gần đây một y tá tại phòng khám địa phương Tacopaya đã thông báo là có hơn 60 trường hợp nhiễm COVID-19 và 3 trường hợp tử vong nhưng con số thực tế đương nhiên còn cao hơn thế.

Với công việc hiện tại, Minh cho biết phần thưởng của cô là nhìn thấy sự tiến bộ và tự tin nơi những đứa trẻ như Leonardo và Josue. “Tôi dạy chúng không được bỏ cuộc, tôi nói với chúng là cái gì các em cũng có thể làm được, chỉ cần thử và cố gắng thì sẽ đạt được kết quả”, cô nói. “Lúc đầu thật khó mà thuyết phục được chúng nhưng với sự động viên và giúp đỡ của tôi cộng với sự tò mò và lòng kiên nhẫn của các em mà chúng tôi đã đạt được cái mình mong muốn”. Điều đó đã mang lại cho các em và tôi một niềm vui khôn tả.

Nhìn lại hành trình của mình, Nguyễn nhận ra là Chúa đã chuẩn bị cho cô một sứ mệnh làm thừa sai. “Trong suốt thời gian làm việc nơi xứ người, tôi hiểu được rằng Ngài đã ban cho tôi tình yêu nhân loại để tôi có thể yêu thương được con cái Ngài như là anh chị em của tôi”, cô nói. “Đó chính là khí cụ đầu tiên và cần thiết nhất mà Ngài đã ban cho tôi, vì không có tình yêu thì tôi sẽ không làm được gì cả ”.

 

Giovana Soria
Giovana Soria is a staff writer and translator for Maryknoll and Misioneros magazines.